Buông lỏng quản lý, nhiều quán karaoke bị đình chỉ vẫn lén lút hoạt động

2025-01-18 21:54:20
Lực lượng công an Hà Nội hướng dẫn phòng cháy chữa cháy tại một cơ sở kinh doanh karaoke. Ảnh: Đinh Thị Thuận/TTXVN

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã thẳng thắn đặt câu hỏi với lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành liên quan về việc quản lý các cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn lén lút hoạt động. 

Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương nêu thực trạng: Trên địa bàn thành phố đã xảy ra một số vụ cháy, nổ liên quan tới cơ sở kinh doanh karaoke. Đã có 526 cơ sở bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn có 323 cơ sở lén lút hoạt động, chủ yếu ở các huyện: Đông Anh, Thạch Thất, Mê Linh... Đại biểu đề nghị lãnh đạo các huyện này làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý.

Đại biểu Vũ Mạnh Hải chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hà Nội về công tác phối hợp với địa phương xử lý vi phạm của các cơ sở kinh doanh karaoke. Nên chăng các cơ quan chức năng cần tư vấn, hướng dẫn ngay từ đầu để các cơ sở này kiểm tra, thực hiện lắp đặt thiết bị đảm bảo an toàn cháy nổ - đại biểu đặt câu hỏi. 

Trả lời chất vấn của đại biểu, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, huyện đã dừng hoạt động của 66 cơ sở karaoke không đủ điều kiện. Đến thời điểm hiện tại, 46 cơ sở không đủ điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự đã dừng kinh doanh karaoke và chuyển sang hoạt động khác; 20 cơ sở đang củng cố để bảo đảm đủ các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. 

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên thừa nhận trên địa bàn huyện có tình trạng cơ sở karaoke bị đình chỉ nhưng vẫn lén lút hoạt động. Sáu tháng đầu năm 2019, 16 cơ sở vi phạm đã bị phát hiện và xử phạt với tổng số tiền là 195 triệu đồng. Thời gian tới, huyện sẽ xử lý kiên quyết hơn đối với cơ sở lén lút hoạt động này. 

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng, trên địa bàn huyện có 25 cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm vẫn lén lút hoạt động. Để chấm dứt tình trạng này, huyện sẽ nêu tên những cơ sở vi phạm trên hệ thống loa truyền thanh để người dân biết, từ đó không sử dụng dịch vụ của những cơ sở này. 

Cũng liên quan tới vấn đề phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở karaoke, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho hay, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.600 điểm kinh doanh karaoke, trong đó có khoảng 1.000 điểm không đủ điều kiện hoạt động. Các địa phương đã đình chỉ hoạt động với các điểm kinh doanh này nhưng nhiều điểm vẫn hoạt động lén lút.

Đối với các điểm kinh doanh karaoke, điều kiện về phòng cháy, chữa cháy rất nghiêm ngặt. Từ tháng 11/2016, thành phố đã tạm dừng cấp phép kinh doanh karaoke. Đến tháng 6/2018, theo ý kiến của doanh nghiệp và địa phương, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố về việc các cơ sở kiến nghị tiếp tục cấp giấy phép kinh doanh loại hình này.

Do tình trạng vi phạm tại các quán karaoke vẫn nghiêm trọng, UBND thành phố giữ nguyên quan điểm không cấp phép, yêu cầu Công an thành phố, các quận, huyện cần tăng cường thực hiện đúng quy định pháp luật tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Nhờ vậy, tình trạng cháy, nổ xảy ra tại các quán karaoke thời gian qua ít hơn. 

Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm, đã đi kiểm tra 394 cơ sở, xử phạt hành chính hơn 1 tỷ đồng; điều chuyển cho địa phương biết, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh karaoke này. 

Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, tính đến tháng 7/2019, Công an Hà Nội đã đình chỉ hoạt động 1.150 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 204 cơ sở, chủ yếu thuộc loại hình cơ sở kinh doanh karaoke và một số hạng mục thuộc công trình nhà cao tầng, cơ sở sản xuất, chợ vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy…

Công an Hà Nội đánh giá: Vẫn còn một số nơi, chính quyền địa phương bị động trong công tác giám sát về phòng cháy, chữa cháy, buông lỏng quản lý, đặc biệt là còn hiện tượng quán karaoke bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn cố tình hoạt động. 

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, về việc quản lý các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường…, có tới 61% quán karaoke sau khi bị tạm đình chỉ đã lén lút hoạt động. Đại diện của 3 huyện thừa nhận có tình trạng này. Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội đề nghị các lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.

Nguyễn Hoàng (TTXVN)
Điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Nguồn bài viết : 2 điểm XSMT

Top