Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã trả lời phỏng vấn báo chí về sự kiện quan trọng này.
Quốc hội Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện đối ngoại, ngoại giao liên nghị viện khu vực và quốc tế. Với việc đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 của IPU, ông đánh giá như thế nào về vị thế và vai trò của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn, nghị viện đa phương quốc tế?
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định triển khai đường lối đối ngoại hiện đại và toàn diện dựa trên ba trụ cột là: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Ngoại giao nghị viện vừa là kênh ngoại giao nhà nước, vừa là đối ngoại nhân dân. Thời gian qua, công tác này đã được triển khai toàn diện, thể hiện hình ảnh một Quốc hội Việt Nam đổi mới, năng động và hành động; đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta cũng học tập được kinh nghiệm của bạn bè quốc tế trong việc hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đoàn kết của bạn bè quốc tế trong xây dựng và phát triển đất nước.
Triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Quốc hội ta tích cực, chủ động tham gia các hoạt động đối ngoại song phương cũng như đa phương. Việt Nam trở thành thành viên của IPU từ năm 1979, là thành viên của Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) từ năm 1995, là thành viên sáng lập của Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), thành viên của Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP)...
Triển khai Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Quốc hội đã rất tích cực, chủ động tham gia vào các diễn đàn, thể hiện vai trò tích cực, chủ động và có trách nhiệm đóng góp, xây dựng, hình thành những “luật chơi” của các diễn đàn này. Đối với các diễn đàn quan trọng như: IPU, AIPA, APPF…, chúng ta đã có những đóng góp rất tích cực về nội dung, có những đóng góp tích cực vào sự phát triển, giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như thúc đẩy hợp tác và hội nhập kinh tế sâu rộng của đất nước trong suốt thời gian qua.
Tiêu biểu, Việt Nam đã tổ chức rất thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) vào năm 2015, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, là bước rất quan trọng đóng góp vào quá trình xây dựng Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Hiện nay, các nước vẫn nhắc đến Tuyên bố Hà Nội như là một hình mẫu để các nghị viện tiếp tục thực hiện những mục tiêu của Tuyên bố này.
Chúng ta đã chủ động tham gia vào tất cả các hoạt động của IPU, tổ chức các hội nghị quan trọng, đóng góp vào những mục tiêu để nghị viện các nước cùng nhau phấn đấu thực hiện thông qua những chức năng của mình như lập pháp, giám sát, quyết định về ngân sách.
Đối với AIPA, chúng ta đã đóng góp những sáng kiến, nội dung vào những nghị quyết đã được thông qua nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, hợp tác và khai thác có hiệu quả nguồn nước sông Mekong... Về kinh tế, chúng ta đã đóng góp những nội dung về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng; đảm bảo việc làm, công bằng, an sinh xã hội...
Cùng với đó, Việt Nam là thành viên của nhiều cơ chế quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc. Đối với Quốc hội, chúng ta đã đảm nhận vai trò Ủy viên Ban Chấp hành IPU, Phó Chủ tịch của IPU nhiệm kỳ 2010-2011, Chủ tịch AIPA 2020... Quốc hội đã đóng góp tích cực, chủ động và vào các chương trình nghị sự mang tính toàn cầu, không chỉ kinh tế-xã hội mà cả những thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh hàng hải, hàng không, an ninh lương thực, an ninh năng lượng...
Với việc đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò, trách nhiệm của chúng ta đối với cộng đồng thế giới; phát huy vai trò của các nghị sĩ trẻ, giới trẻ trong giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu hiện nay, đóng góp vào việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.
Hội nghị là hoạt động tiếp nối những hoạt động chủ động, tích cực trước đây của Quốc hội Việt Nam để giải quyết những vấn đề toàn cầu qua xu thế chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để có những bước tiến kịp những mục tiêu đặt ra trong giai đoạn phát triển hiện nay của Việt Nam cũng như trên thế giới.
Ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của chủ đề Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 này?
Diễn đàn Nghị sĩ trẻ toàn cầu năm nay chúng ta chọn chủ đề là: "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo".
Với những diễn biến phức tạp và khó lường của tình hình thế giới, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19..., nên việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đang bị chậm tiến độ. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, chỉ có 12% các mục tiêu phát triển bền vững đang được thực hiện đúng hướng. Với tình hình như vậy, các nước hiện nay có xu thế thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và phát triển bền vững thông qua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.
Việc Quốc hội Việt Nam đưa ra những chủ đề mang tính thời sự này đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Mục tiêu của chúng ta nhằm phát huy sự đóng góp của giới trẻ vào các chương trình Nghị sự của Liên hợp quốc và thông qua những xu thế phát triển hiện nay của thế giới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Một đặc sắc nữa của chúng ta là đưa vấn đề văn hóa, con người vào trong phát triển bền vững.
Vì vậy, ba chuyên đề của Hội nghị lần này xoay quanh các chủ đề về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững.
Kết quả của hội nghị lần này được kỳ vọng như thế nào, thưa ông?
Với sự tham gia đông đảo của các nghị sĩ trẻ toàn cầu, chúng tôi hy vọng rằng, dưới góc nhìn của mình, các nghị sĩ trẻ sẽ có những đóng góp thông qua các hoạt động, chức năng của Quốc hội/Nghị viện là lập pháp, xây dựng thể chế, quyết định những vấn đề quan trọng, ở đây cụ thể là phân bổ nguồn lực, ngân sách.
Thông qua các chủ đề chính liên quan đến chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở mỗi nước; đồng thời thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn bài viết : XS Max 3D Pro