Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia; Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An chủ trì Hội thảo.
Đồng chí Lê Hồng Sơn (1899 - 1933) tên thật Lê Văn Phan. Quê ông ở làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1920, ông tham gia vào Việt Nam Quang phục hội. Năm 1923, ông cùng tham gia thành lập tổ chức Tâm Tâm xã. Năm 1925, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Năm 1929, ông là người giữ vai trò quyết định trong việc thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Ông cũng góp phần tích cực trong việc hợp nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930…
Năm 1932, ông bị mật thám Pháp bắt. Tháng 2/1933, ông bị tử hình ngay tại làng Xuân Hồ quê hương ông.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cho rằng, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Sơn là di sản quý báu trong lịch sử phát triển cách mạng Việt Nam thời cận - hiện đại. Từ trước đến nay đã có nhiều bài báo, tạp chí đề cập đến thân thế, sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Sơn nhưng chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp, chưa đầy đủ. Vì vậy, Hội thảo sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn nữa về thân thế, sự nghiệp cách mạng, những đóng góp, cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn; đồng thời, mở ra những ý tưởng mới cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lưu niệm đồng chí Lê Hồng Sơn trên quê hương Nghệ An.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã ôn lại cuộc đời hoạt động của đồng chí Lê Hồng Sơn và những cống hiến của đồng chí với cách mạng Việt Nam, quê hương Nghệ An. Gần 30 ý kiến của các đại biểu tập trung vào một số nội dung liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Sơn: Tác động của truyền thống cách mạng của quê hương, những tác động hình thành nhân cách và lý tưởng; quá trình tham gia cách mạng ở trong và ngoài nước…
Các đại biểu, nhà khoa học đã làm sáng tỏ các nhân tố quê hương, gia đình và thời đại tác động sâu sắc đến việc hình thành nên nhân cách, con người, con đường cứu nước của đồng chí Lê Hồng Sơn; khẳng định những đóng góp, vai trò quan trọng của đồng chí đối với sự hình thành và phát triển của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, An Nam Cộng sản Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều đại biểu đề xuất giải pháp tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử liên quan đến đồng chí Lê Hồng Sơn trên địa bàn huyện Nam Đàn.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn khẳng định, truyền thống đáng tự hào của quê hương, tình cảm sâu sắc của gia đình, dòng họ chính là cái nôi hình thành tư tưởng yêu nước và nhân cách của đồng chí Lê Hồng Sơn. Với 34 năm tuổi đời, 13 năm hoạt động cách mạng tích cực, sôi nổi, đồng chí Lê Hồng Sơn đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí sẽ mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ tiếp bước noi theo.
Tổng kết Hội thảo, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cho rằng, Hội thảo đã góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm về cuộc đời hoạt động, những đóng góp của đồng chí Lê Hồng Sơn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Bên cạnh đó, tài liệu của Hội thảo sẽ là những dữ liệu lịch sử quý báu của Đảng, Nhà nước và của tỉnh phục vụ học tập, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.
Thời gian tới, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy giá trị các điểm di tích liên quan đến đồng chí Lê Hồng Sơn. Cùng với đó là thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích gắn với đồng chí Lê Hồng Sơn; quy hoạch, xếp hạng lại khu lưu niệm đã có; đồng thời, tiếp tục sưu tầm tài liệu, hiện vật để bổ sung, làm rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của đồng chí Lê Hồng Sơn.
Nguồn bài viết : đá gà đòn